Doanh nghiệp nên chọn người tài hay người trung thành? - HR

Doanh nghiệp nên chọn người tài hay người trung thành?

Những nhân tài mới sẽ rất khó khăn để được vào làm việc tại tập đoàn lớn. Trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn phương thức cắt giảm   nhân sự   để tiết giảm chi phí và vượt qua khủng hoảng. Tuy nhiên, vấn đề sa thải lao động cũng không dễ dàng gì, nhất là trong việc lựa chọn những nhân sự chủ chốt.
  Chia sẻ tại Ngày nhân sự Việt Nam 2013 –   quản trị nhân sự   vượt khủng hoảng hôm 3/11 tại Hà Nội, diễn giả Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc chiến lược của Tập đoàn FPT, cho biết việc lựa chọn người tài hay trung thành là tùy thuộc vào chiến lược phát triển của công ty.
  Chẳng hạn như ở các tập đoàn lớn thì họ thường chọn yếu tố trung thành. Tất nhiên, những người trung thành đã làm việc được một thời gian dài ở công ty thì họ đều phải có chút tài năng chứ không thể chỉ có lòng trung thành. Ông Hòa cũng thừa nhận, những nhân tài mới vào được tập đoàn lớn là rất khó khăn.
  Còn với trường hợp các doanh nghiệp muốn đột phá, muốn   tìm kiếm   những cái mới thì chắc chắn họ phải đặt người tài lên hàng đầu. Ông Hòa lấy ví dụ ở FPT, thời kỳ đầu công ty rất thành công nhờ chính sách đặt cao nhân tài. Khi ấy, ở đâu có nhân tài là FPT đưa về, ngay cả diễn viên điện ảnh cũng đưa về, trăm hoa đua nở để họ tự do phát triển, vậy nên sau đó mới hình thành một FPT đa ngành nghề.

 Về vấn đề lựa chọn nhân sự hiện nay, ông Hòa cho rằng FPT đang khá thông minh khi lựa chọn hài hòa giữa hai yếu tố. Dù rằng FPT đã cố gắng thay một số máu mới nhưng không thành công và cuối cùng họ chọn người trung thành. Sự lựa chọn này cũng có lý do bởi FPT không thể đưa ra sự đảo lộn quá bất ngờ, có thể ảnh hưởng tới hàng chục nghìn người.
  Tựu chung lại, theo ông Hòa, tuyển người tài hay người trung thành thì quan trọng là phải theo khát vọng và chiến lược phát triển của công ty. Nếu như đó là tập đoàn lớn, ảnh hưởng tới sự phát triển của họ thì buộc phải chọn người trung thành.
  Nếu được quyết định chia phần giữa tài năng và trung thành, ông Hòa cho rằng nên để tỷ lệ 60% những người trung thành và 40% chọn người tài. Thậm chí với các doanh nghiệp đặt nặng tính an toàn, bảo thủ thì tỷ lệ cũng nên là 70% - 30%, nếu không sẽ không thể đáp ứng được với yêu cầu phát triển.

Theo cafef.Vn

Nghề tư vấn nhân sự
Chuyên viên tư vấn tuyển dụng là cầu nối giữa nhà tuyển dụng và ứng viên, là người giúp cho doanh nghiệp giải bài toán khó về sự thiếu hụt nhân sự. Công việc này có thể nói là hiện đang rất “hot” và thu hút nhiều bạn trẻ tham gia.

Bước chân vào thế giới của “dân” tư vấn tuyển dụng, điều đầu tiên bạn thu được là sự am hiểu rộng rãi về các lĩnh vực ngành nghề, cũng như hiểu biết sâu sắc về hệ thống tuyển dụng trong một công ty và đòi hỏi của từng vị trí công việc. Cứ như vậy với từng ngành nghề, chẳng mấy chốc mà bạn bè sẽ nhìn bạn với một con mắt thán phục vì bạn chẳng khác gì một cuốn “bách khoa toàn thư”.

Tìm kiếm và sàn lọc nhân tài

Là chuyên viên tư vấn tuyển dụng, bạn cũng chính là một chuyên gia “săn đầu người”, thường xuyên được gặp gỡ và tiếp xúc với nhân tài ở khắp nơi. Mỗi lần gặp gỡ một vị trí quản lý cao cấp, bạn lại học hỏi được ở họ một điều gì đó cho bản thân mình. Những tổng giám đốc điều hành, giám đốc đối ngoại, giám đốc kinh doanh,… không phải ai cũng có một sự khởi đầu trong sự nghiệp thuận buồm xuôi gió. Bạn được chia sẻ những va vấp, thất bại trong buổi đầu lập nghiệp của mỗi người để thấy rằng những khó khăn mà mình đang gặp phải chưa phải là điều quá to lớn để có thể nản lòng.

Óc phán đoán và đánh giá sự việc cũng được bạn sử dụng thường xuyên trong công việc tìm kiếm nhân tài này, bởi vì không phải cứ tìm được người giỏi là có thể gửi ngay người đó sang làm việc tại công ty khách hàng, bạn còn phải đánh giá xem người đó có phù hợp với môi trường làm việc tại công ty đó hay không.

Cơ hội mở rộng kiến thức và mối quan hệ

Bạn sẽ có rất nhiều cơ hội để trau dồi ngoại ngữ, đặc biệt là kỹ năng nói, bạn phải phỏng vấn ứng viên không chỉ bằng tiếng Việt mà còn phải bằng ngoại ngữ, một đòi hỏi gần như tất yếu khi đi làm ở công ty nước ngoài.

Sau một thời gian làm công việc này, bạn sẽ thấy mạng lưới các quan hệ của mình được gia tăng đáng kể, trong số các nhà tuyển dụng và ứng viên mà bạn gặp gỡ, có một số không ít người đã trở thành bạn thân của bạn. Mỗi lần bạn gặp khó khăn trong công việc, bạn lại có rất nhiều bạn bè trong vô số các lĩnh vực khác nhau để hỏi ý kiến, mỗi người lại giới thiệu cho bạn các quan hệ của họ và cứ như thế, nguồn ứng viên của bạn không bao giờ có thể cạn kiệt.

Ý nghĩa công việc

Có lẽ là chỉ sau nghề bác sỹ, bạn luôn có được niềm hạnh phúc được giúp đỡ mọi người có được một công việc phù hợp. Mỗi thành công của một chuyên viên tư vấn tuyển dụng là một ứng viên được tuyển vào một vị trí mà họ cảm thấy hài lòng về nội dung công việc, chế độ đãi ngộ cũng như môi trường làm việc. Được khai thác những kinh nghiệm sẵn có của các ứng viên cũng như tìm tòi và phát hiện những năng lực tiềm ẩn, từ đó định hướng cho mỗi người có một con đường sự nghiệp phù hợp nhất với năng lực của họ chính là niềm vui khiến chuyên viên tư vấn tuyển dụng cảm thấy gắn bó với công việc này.

Thu nhập của một chuyên viên tư vấn tuyển dụng không thấp chút nào. Để vào được vị trí này, bạn cũng phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về ngoại hình, tính cách, khả năng giao tiếp, khả năng ngoại ngữ … nên không phải ai cũng có thể trở thành chuyên viên tư vấn tuyển dụng. Với xu hướng “thế giới là phẳng” hiện nay, đến một lúc nào đó các doanh nghiệp sẽ không cần đến sự có mặt của một phòng Tuyển dụng chuyên trách mà các hoạt động tuyển dụng sẽ được “thuê ngoài” (outsourcing). Khi đó, dịch vụ tư vấn tuyển dụng sẽ nở rộ hơn bao giờ hết và bạn có thể tự hào rằng bạn đã là những người đi đầu trong ngành dịch vụ này.

(Sưu tầm)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét